Tin tức IOS

[Tin tức IOS][bsummary]

Tin tức Android

[Tin tức andoid][bsummary]

Mẹo hay

[Mẹo hay][bigposts]

Tin tức khác

[Tin khác][twocolumns]

ĐÁNH GIÁ XPERIA 1 MARK 2: CAMERA KHÔNG DÀNH CHO SỐ ĐÔNG CHỈ BIẾT CHỤP AUTO

Thị trường smartphone đang ngày càng phân hóa giữa hai xu hướng. Các hãng như Apple, Google và Huawei đang tích cực theo đuổi "nhiếp ảnh điện toán", nơi mà AI có thể giúp người dùng nhanh chóng chụp ảnh để chia sẻ lên mạng xã hội.


Tuy nhiên, có một nhóm người thực sự nghiêm túc khi chụp ảnh lại chê cười sự lệ thuộc vào máy móc đó. Họ mong muốn có thể chụp ảnh chính xác như mong muốn, thay vì để AI nắm quyền kiểm soát có thể dẫn tới bức ảnh không được như ý. Họ muốn tự mình chỉnh các thông số cài đặt như màn trập, cân bằng trắng, ISO,... 

Triết lý tách biệt với đám đông

Và với những cá nhân này, chiếc flagship mới nhất của Sony là Xperia 1 II (Xperia 1 Mark 2) chắc chắn là lựa chọn thích hợp nhất hiện nay. Tại sao ư? Bởi vì Sony đã tạo ra một chiếc điện thoại mà trải nghiệm chụp ảnh giống với các máy ảnh chuyên nghiệp của họ. Điều này nghĩa là bạn phải các kiến thức nhiếp ảnh nhất định về ISO, bố cục, ánh sáng,... để cú bấm thật chính xác.

Cách tiếp cận của Sony hoàn toàn khác với Google hay Apple (ảnh: Forbes)

Đây là hướng phát triển hoàn toàn đối ngược với xu hướng trên thị trường hiện nay. Triết lý mà các công ty như Google, Apple theo đuổi là camera trên điện thoại chụp nhiều tấm ảnh, và bộ xử lý sẽ "chế biến" chúng theo một menu được lập trình sẵn. Từ những thông tin thu được, phối ngẫu ra một tấm ảnh cuối cùng tốt hơn những gì người dùng thấy tại thời điểm chụp.

Với xu hướng này, người dùng không cần phải nghĩ ngợi gì nhiều mà chỉ đơn giản giơ lên và chụp, còn lại đã có thuật toán lo. Nhưng với Sony, họ không muốn để AI lấn át người sử dụng. Sony đã xây dựng ứng dụng "Photo Pro" với giao diện phức tạp khác hẳn các smartphone còn lại trên thị trường. Nó trông khá giống UI trên dòng máy ảnh Alpha.

Giao diện của Photo Pro trên Xperia 1 II (ảnh: Forbes)

Vậy vấn đề là cách làm của Sony có phù hợp với phong cách nhiếp ảnh của bạn hay không. Cũng như với xe hơi, có những người chỉ khoái xe hộp số để họ kiểm soát tốc độ như ý muốn dù phải thao tác nhiều hơn, trong khi số khác lại ưa số tự động vì sự đơn giản. Những người này không muốn AI của Huawei hay Google cố tình thêm vào một chút ánh sáng ở rìa con phố về đêm. Đôi khi, AI phá hỏng ý đồ sáng tạo.

Để khai thác camera Xperia 1 Mark 2, bạn phải có kiến thức về nhiếp ảnh, hình dung sẵn trong đầu về kết quả cuối cho ra như thế nào, biết chính xác mình đang làm gì với các thông số hiện ra trước mắt. Nhưng với những ai không hiểu nhiều về nhiếp ảnh, phần đông người dùng smartphone thông thường sẽ cảm thấy Photo Pro quá phức tạp. Họ không thể nắm bắt và bức ảnh chụp hoàn toàn tự động cho ra trông như mớ hỗn độn.

Nhiều người dùng sẽ bối rối, không hiểu phải sử dụng ra sao (ảnh: Forbes)

Thực ra, Sony không cung cấp chỉ mỗi Photo Pro cho bạn chụp ảnh, ứng dụng camera Xperia vẫn tồn tại như các đời trước mặc dù không đầu tư nhiều. Trải nghiệm chụp ảnh giống hệt như những smartphone khác trên thị trường. Chế độ tự động có tên Superior Auto sẽ tự nhận diện bối cảnh và đưa ra tinh chỉnh mà nó cho là phù hợp, giống các máy Xperia mà bạn từng sử dụng.

Tuy nhiên, chúng ta biết thuật toán tự động của Sony chưa bao giờ bắt kịp các đối thủ hàng đầu trên thị trường smartphone. Hơn nữa, hãng đã bỏ công đầu tư hẳn một ứng dụng riêng cho bạn chụp ảnh, chắc chắn họ muốn bạn sử dụng Photo Pro hơn là ứng dụng truyền thống. Chỉ khai thác Camera sẽ là sự lãng phí.

Trải nghiệm nhiếp ảnh trên Xperia 1 II rất khác biệt trong thị trường smartphone đã tràn ngập AI hiện nay (ảnh: Forbes)

Một smartphone cơ bản

Trước tiên, thông số cấu hình của máy không quá nổi bật trên thị trường hiện nay, Sony chưa bao giờ cố dẫn đầu cuộc đua về các con số trên giấy tờ. Hãng cũng chẳng bận tâm đến việc thu gọn viền màn hình hết mức như các công ty Trung Quốc. Xperia 1 Mark 2 kiên định với kiểu dáng truyền thống, kém hiện đại.

Tuy nhiên, đó không phải điều tồi tệ khi xét đến trải nghiệm thực tế. Máy thực ra có độ bám tốt và cầm nắm thoải mái và tự tin hơn nhiều. Màn hình OLED 6.5 inch với tỉ lệ 21:9 đã trở thành đặc sản của Sony trong làng smartphone. Thiết kế này giúp bề ngang hẹp hơn nên cầm nắm gọn gàng hơn, cũng như phù hợp để tiêu thụ các nội dung chiều dọc của mạng xã hội và phim ảnh.

Máy thon dài, cầm nắm gọn gàng và chắc tay (ảnh: Forbes)

Tuy nhiên, độ phân giải 4K thực sự quá dự thừa. Không ai lại phân biệt được sự khác biệt giữa 4K và Full HD trên một cái màn hình chưa tới 10 inch. Đó là lý do mà các hãng Trung Quốc và Hàn Quốc, vốn luôn thích chạy đua thông số, cũng không theo đuổi màn hình 4K. Thay vì độ phân giải cao đến như vậy, sẽ hay hơn nếu Sony cung cấp màn hình tần số quét cao. 

Chúng ta biết Xperia 1 Mark 2 đang sử dụng tấm nền AMOLED 10-bit FRC đến từ Samsung Display, độ phân giải lên tới 4K nhưng tần số quét chỉ dừng lại ở 60Hz. Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra là do chipset Snapdragon 865 không hỗ trợ độ phân giải cao hơn 4K@60Hz. Bên cạnh đó, thời lượng pin hao hụt khi cũng là một lo ngại. Máy đáp ứng tốt một ngày sử dụng với cường độ cao lên tới 13 tiếng, nhưng chỉ vừa đủ.

Cạnh bên là cụm phím âm lượng, phím nguồn và chụp ảnh đặc trưng của Xperia (ảnh: Forbes)

Về cơ bản, Xperia 1 Mark 2 mang tới hiệu năng hàng đầu thị trường và chất lượng hoàn thiện rất tốt. Hệ điều hành Android 10 ít tùy biến chạy cực mượt, không có chút giật lag nào. Một tính năng hữu ích khác là chia đôi màn hình giúp bạn có thể vừa xem YouTube vừa lướt Facebook, tận dụng lợi thế của màn hình dài. Cuối cùng, cặp loa kép hướng về phía người sử dụng và jack tai nghe là một điểm cộng lớn.

Lấy nét và chụp như tên lửa

Còn bây giờ, hãy tập trung vào camera, thứ khiến Xperia 1 Mark 2 khác biệt so với phần còn lại của thế giới smartphone.

Tính năng lấy nét vào mắt theo thời gian thực (ảnh: Forbes)

Có hai công nghệ trên các máy ảnh mirrorless Sony được đưa xuống Xperia 1 Mark 2: "Real-time Eye AF" và chụp liên tiếp 20fps AE/AF. Cái đầu tiên có lẽ rất quen thuộc với những ai biết về dòng máy ảnh Alpha. Còn nếu bạn chưa biết, đây là tính năng giúp xác định mắt người hoặc động vật (chó, mèo) và khóa nét vào đó. Chỉ cần đối tượng còn tồn tại trong khung hình thì máy sẽ còn bám nét vào mắt, bất kể di chuyển nhanh như nào hoặc nhảy ra khỏi khung hình.

Sony cho biết tốc độ làm việc của cảm biến 12MP vượt trội hơn 108MP (ảnh: Sony)

Hầu hết các bài đánh giá đều xác nhận rằng hệ thống AF của Sony dẫn đầu ngành công nghiệp, là thứ tốt nhất mà chúng ta có hiện nay và là tính năng "sát thủ" trên máy ảnh Sony. Do vậy, khi nó xuất hiện trên điện thoại Xperia, tất cả đều hoan nghênh. Cái thứ hai là khả năng chụp liên tiếp cực nhanh. Người dùng chỉ việc giữ máy chắc tay và nhấn giữ nút chụp ảnh cứng, máy sẽ "bắn liên thanh" 20 bức hình chỉ trong một giây. Nhờ có Real-time Eye AF, ảnh vẫn lấy nét đúng chủ thể.

Tính năng này được Sony nhấn mạnh nhờ vào cảm biến Dual Pixel 12MP và thuật toán lấy nét độc quyền của họ. Nó không thể đạt được với các cảm biến gộp điểm ảnh hiện nay, vốn có độ phân giải lớn và rất nhiều trong số chúng thiếu Dual Pixel, ví dụ Galaxy S20 Ultra. Do vậy nếu đọ về chụp liên tiếp, flagship của Sony nhiều khả năng sẽ giành phần thắng trước đối thủ đến từ Samsung.

Thử nghiệm chụp liên tiếp trên Xperia 1 II (ảnh: Forbes)

Trong thử nghiệm đầu tiên, tôi đã chụp một loạt ảnh của một người đàn ông phóng xe đạp qua với tốc độ rất nhanh. Trong số 24 tấm ảnh ghi lại được, tất cả đều lấy nét chuẩn vào khuôn mặt của người đàn ông, thậm chí có thể ghép lại như một chuỗi hành động tự nhiên. Tất nhiên vì quyền riêng tư nên tôi đã che lại mặt người đàn ông này.

Ở thử nghiệm tiếp theo, tôi chụp một cậu nhóc đang chơi xích đu ở công viên. Mỗi khung hình đều sắc nét mà không bị nhòe. Thậm chí nếu bạn thử xoay vòng các bức ảnh với tốc độ nhanh, nó trông giống như chuyển động liên tiếp trong một đoạn phim ngắn. Đây quả là chế độ lý tưởng để chụp các hoàn cảnh đòi hỏi phản ứng nhanh, như chụp thể thao chả hạn.

Chụp một cậu nhóc đang chơi xích đu (ảnh: Forbes)

Các điện thoại khác có một chế độ chụp riêng cho thể thao hoặc vật thể di chuyển tốc độ cao, tuy nhiên, không có sản phẩm nào có thể chụp liên tiếp với tốc độ tên lửa lên tới 100 bức hình trong năm giây. Với phím cứng trang bị sẵn, bạn chỉ việc đặt tay vào máy và nhấn giữ 2 giây để truy cập camera. Khi giơ lên là máy đã sẵn sàng và sau đó nhấn giữ nút chụp một lần nữa, khai hỏa!

Photo Pro thích hợp cho ai ưa chỉnh tay thủ công

Một lợi thế không thể phủ nhận của cách thức chụp ảnh truyền thống là bức ảnh tạo ra toát lên bầu không khí cảm xúc hơn, mang tâm trạng hơn. Với Photo Pro, tôi cố tình can thiệp vào phơi sáng vùng tối và giảm tốc màn trập lại, từ đó khiến chuyển động của những người dân Hong Kong như chậm lại.

Khi bạn chủ động chụp có kiểm soát, bức ảnh sẽ trông giàu cảm xúc hơn (ảnh: Forbes)

Tuy vậy, điểm trừ là nó khá khó. Cứ mỗi bốn đến năm tấm tôi chụp được như ý, lại có một tấm bị hỏng. Cũng bởi vì kỹ năng nhiếp ảnh chưa tới của chính tôi. Mặc dù không phải tay mơ mới cầm máy lần đầu, nhưng tôi vẫn chưa đạt tới trình của dân chuyên nghiệp. Vấn đề này lại tiếp tục lặp lại ở thử nghiệm tiếp theo.

Tôi thử chụp nền trời giữa các tòa nhà cao ốc, ánh nắng chiếu thẳng xuống. Google Pixel 4 có thể tận dụng thuật toán thông minh để xử lý vấn đề phơi sáng, khiến ảnh có chiều sâu hơn. Nhưng Xperia 1 II lại cho ra kết quả bị xóa trắng một phần ảnh, chi tiết cũng kém hơn. Một lần nữa, tôi không đủ kỹ năng để chỉnh camera đúng cách.

Tuy nhiên, để kiểm soát được camera lại đòi hỏi khá nhiều ở kỹ năng và kiến thức nhiếp ảnh (ảnh: Forbes)

Tổng thể, bạn phải biết rõ mình đang làm gì và sẽ phải làm gì để chụp ảnh như ý với Photo Pro. Tất nhiên vẫn có một ứng dụng camera truyền thống cho những ai biết chụp auto. Nhưng như tôi đã nói ở trên, thuật toán tự động của Sony không thể bằng các flagship hàng đầu thị trường như Google, Apple hay Samsung.

Máy thậm chí không có sẵn chế độ chuyên chụp đêm Night Mode, vốn là tính năng mà các flagship khác đều đã trang bị. Sony chỉ cung cấp Night Mode cho Xperia 10 II vốn là thiết bị tầm trung có giá rẻ hơn. Ống góc siêu rộng cũng rất tầm thường nếu đặt cạnh flagship của Huawei. Về khả năng zoom của ống tele, Xperia 1 II chỉ có thể đạt zoom quang 3x, kém xa mức zoom lai 10x trên điện thoại Huawei, chất lượng ảnh cũng tầm thường. Nhìn chung, cả hai ống kính này đều không quá nổi bật so với mặt bằng smartphone hiện nay.

Kiểm soát hoàn toàn không phải lúc nào cũng hay

Thú thực, tôi rất tôn trọng và ngưỡng mộ các kỹ sư Sony khi theo đuổi cách tiếp cận này. Họ muốn đặt vào trong tay người dùng một sản phẩm cho phép kiểm soát mọi thứ, thực hiện ý đồ sáng tạo một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, cuối cùng thì tôi vẫn cho rằng cách làm như của Apple, Huawei hay Google hiện tại vẫn là con đường nên đi. Nó đơn giản hơn, ít gặp lỗi.

Cũng có thể bởi trình độ nhiếp ảnh của tôi còn chưa đủ nên tôi cảm thấy mất kiểm soát công cụ của mình. Biết đâu với những người chuyên nghiệp, họ lại đánh giá cao hướng tiếp cận mà công ty Nhật Bản tin tưởng.

Nếu bạn định mua Xperia 1 II, hãy cân nhắc rằng camera của nó rất khác biệt so với những smartphone ngoài kia (ảnh: Forbes)

Tại Hong Kong, Xperia 1 II có giá 8.000 HKD, khoảng 24 triệu đồng. Xem xét tập khách hàng mà Sony hướng đến vốn không phải người dùng phổ thông, tôi không nghĩ có vấn đề gì với mức giá này. Việc đánh vào một thị trường ngách giúp Sony tránh phải cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ khác. Thị trường smartphone đã quá bão hòa và Sony thì không lựa chọn đối đầu với iPhone hay Galaxy. Thay vào đó, họ cung cấp một số tính năng độc đáo, hiếm có trên thị trường, cố thuyết phục thiểu số những người thích tìm tòi công nghệ.

Bài đánh giá Xperia 1 Mark 2 của reviewer Ben Sin đến từ Forbes, VnReview chuyển ngữ cho bạn đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét