Công nghệ ít ai biết được cả Apple và Samsung sử dụng như một “giác quan” đặc biệt của smartphone
Được cho là một “giác quan đặc biệt” của điện thoại, công nghệ Ultra Wideband xuất hiện đã đáp ứng được nhu cầu chia sẻ của người dùng cũng như thay đổi cách smartphone hoạt động trong tương lai.
Có thể nói rằng UWB (Ultra Wideband) được biết đến nhiều hơn khi Apple lần đầu tiên công bố công nghệ đặc biệt này trong sản phẩm iPhone 11 trên trang web của hãng vào năm ngoái. Thế nhưng thực sự thì công nghệ này đã xuất hiện từ rất nhiều thập kỷ trước và cho đến ngày nay mới có thể tối ưu hóa để trở thành con chip ultra-wideband nhỏ gọn trong mỗi chiếc smartphone.
Và không chỉ iPhone, siêu phẩm gần đây nhất đến từ nhà Samsung – Galaxy Note 20 Ultra cũng được tích hợp giao thức kết nối đặc biệt này. Chắc chắn rằng công nghệ này sẽ là nền tảng quan trọng để có thể phát triển thêm nhiều tính năng mở rộng nhờ vào độ nhân thức chính xác trong không gian của UWB.
Vậy công nghệ UWB chính xác là gì?
Giống như Bluetooth và Wifi, công nghệ UMB chính là một giao thức không dây tầm ngắn, cho phép xác định vị trí các thiết bị xung quanh cũng như trao đổi, chia sẻ với các thiết bị gần đó. Mang một cách thức hoạt động không hề mới lạ nhưng UWB lại mang tính chính xác cao hơn, khả năng phát sóng cùng mức giao thao tối thiểu và đặc biệt là tiết kiệm rất nhiều điện năng.
Thể hiện đúng tính chất tên gọi, con chip Ultra Wideband này có thể gửi dữ liệu xuyên qua một dải tần “siêu rộng” từ 500 MHz đến vài GHz – vượt trội hoàn toàn so với các công nghệ không dây narrow band (băng tần hẹp) truyền thống. Chính vì hoạt động trên một phổ rộng hơn nên UWB lại có phạm vi truyền ngắn hơn, thế nhưng vẫn không quá ảnh hưởng nếu hai thiết bị cùng đặt trong cùng một căn phòng với nhau.
Nôm na ta có thể hiểu rằng công nghệ UWB là một sự kết hợp tính năng giữa việc truyền dữ liệu của Wifi và việc chia sẻ kết nối thiết bị của Bluetooth. Chính vì vậy, loại công nghệ đặc biệt này còn được so sánh như một “giác quan” của chiếc smartphone, có thể nhận thức không gian xung quanh, xác định vị trí và thậm chí là giao tiếp với chúng. Một trong những tính năng mà hầu hết các sản phẩm smartphone hiện nay vẫn đang còn thiếu và chưa quá chú trọng.
Biến chiếc smartphone của bạn trở thành điều khiển từ xa thông minh
Không phải quá mới lạ khi ngày nay ta có thể điều khiển các thiết bị xung quanh bằng chính chiếc điện thoại của mình nhưng một lần nữa với UWB việc kết nối này dường như trở nên nhanh chóng và chính xác hơn rất nhiều. Đơn cử, bạn sẽ không cần phải thao tác quá nhiều mà vẫn có thể xem tất cả nội dung từ chiếc smartphone của mình trên màn hình TV gần đó bằng cách hướng điện thoại về phía thiết bị muốn truyền tải.
Vượt trội hơn hẳn Wifi hay Bluetooth vì ở UWB cung cấp một khả năng phát hiện và đo khoảng cách của các thiết bị gần đó dựa vào thời gian khứ hồi của tín hiệu thay vì chỉ là cường độ tín hiệu như Bluetooth đã từng làm. Có thể hiểu nôm na là Bluetooth được sử dụng để cho biết ai đang gần bạn nhưng với UWB lại có thể nói được chính xác bạn đang ở đâu và bạn đang nhìn ai.
Dựa trên những nền tảng đó, UWB đã bắt đầu mở rộng với các khả năng mới và thông minh hơn như cho phép sử dụng điện thoại để quản lý các thiết bị thông minh xung quanh ngôi nhà của mình. Thử tưởng tượng bạn có quá nhiều thiết bị tương tự nhau như đèn và loa thì giờ đây bạn cũng không cần phải đặt tên cho mỗi thiết bị riêng biệt vì điện thoại bạn sẽ hoàn toàn biết là bóng đèn hay dàn loa nào gần với vị trí của bạn hơn.
Công nghệ UWB – tầm nhìn của iPhone và Samsung
Công nghệ Ultra WideBand xuất hiện trên sản phẩm của Apple trước tiên, bắt đầu từ dòng iPhone 11. Tuy không đề cập đến tính năng này trong sự kiện ra mắt sản phẩm nhưng trên các trang web của hãng lại đặc biệt nhấn mạnh về công nghệ này như “một giác quan nữa cho iPhone” hứa hẹn mang lại trải nghiệm thông minh mới lạ cho người dùng.
Là một phương thức chia sẻ nội dung khá giống với AirDrop nhưng với iOS 13 và tích hợp con chip U1, bạn chỉ cần hướng iPhone của mình về phía một thiết bị iPhone khác thì ngay lập tức AirDrop sẽ hiện lên ưu tiên lựa chọn đầu tiên. Từ đó mở ra rất nhiều khả năng thú vị như tính năng Apple AirTag vừa được giới thiệu trong phiên bản hệ điều hành iOS 14 sắp tới.
Với việc ứng dụng con chip UWB cùng các thiết bị IoT (Internet of Things) sẽ giúp việc tìm kiếm các thiết bị như chìa khóa, túi xách được gắn Tags một cách dễ dàng hơn. Nó sẽ nhanh chóng cho biết vị trí chính xác của vật dụng đó và thậm chí sẽ hiển thị vị trí trên màn hình smartphone bằng cách sử dụng thực tế ảo tăng cường (AR).
Và không phải đợi quá lâu, cuối cùng thì Samsung đã đáp lại “lời gọi” của iPhone bằng sự xuất hiện của siêu phẩm Galaxy Note 20 có sử dụng công nghệ kết nối UWB. Theo FCC, Samsung đã thử nghiệm thành công con chip UWB trên Galaxy Note 20 Ultra phiên bản SM-N986U và SM-N986U1 tại Mỹ thế nhưng vẫn chưa chắc chắn rằng phiên bản được tích hợp con chip này cũng sẽ mở bán ở các thị trường khác.
Thế nhưng dù sao đi chăng nữa, bên cạnh thiết kế và tính năng “ăn tiền” thì với Ultra WideBand, Note 20 Ultra như “hổ mọc thêm cánh” hứa hẹn là thiết bị Android dẫn đầu cho xu hướng kết nối mới. Với sự hỗ trợ của ứng dụng Smart Things, siêu phẩm nhà Samsung có thể dễ dàng điều khiển các sản phẩm thông minh trong hệ sinh thái Samsung như TV, tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi, máy lọc không khí, rèm cửa, hệ thống đèn,…
Tạm kết:
Công nghệ Ultra WideBand có thể nói là một sự “tiến hóa” vượt bậc của các giao thức kết nối truyền thống như NFC, Bluetooth, Wifi,… và đang làm được rất nhiều điều mà trước giờ chúng ta luôn mong chờ. Với sự áp dụng thành công của hai ông lớn Apple và Samsung đã phần nào khẳng định được tầm nhìn cũng như tiềm năng phát triển của công nghệ này trong tương lai, thậm chí nó có thể làm thay đổi cách thức chúng ta sử dụng smartphone sau này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét