ĐÁNH GIÁ POCO F2 PRO: CẮT GIẢM TINH TÉ CỦA NHÀ SẢN XUẤT
Cách đây 2 năm, Xiaomi gây bất ngờ cho làng di động toàn cầu khi ra mắt thương hiệu con Poco với sản phẩm đầu tiên sử dụng vi xử lý Snapdragon 845, CPU đầu bảng thời điểm đó, nhưng có giá chỉ 8 triệu đồng. Mới đây, thương hiệu Poco đã trở lại với sản phẩm thứ hai là Poco F2 Pro.
Poco F2 Pro cũng có cấu hình rất mạnh mẽ với con chip đầu bảng Snapdragon 865 nhưng mức giá đã thay đổi, không còn ở phân khúc tầm trung 8 triệu đồng như đời Poco F1 nữa. Với mức giá 12,49 triệu đồng cho bản RAM 6GB/bộ nhớ trong 128GB và 14,99 triệu đồng cho bản RAM 8GB/bộ nhớ trong 256GB, Poco F2 Pro bây giờ đã tiệm cận phân khúc cao cấp.
Tất nhiên, sự gia tăng về giá cũng có lý do. Poco F2 Pro đã được cải thiện nhiều khía cạnh. Không chỉ có con chip đầu bảng, điện thoại này giờ có thiết kế cao cấp hơn với chất liệu khung kim loại/kính, màn OLED tràn viền, pin dung lượng lớn với tốc độ sạc ấn tượng, hỗ trợ mạng 5G và cụm camera sau chứa đủ các loại tiêu cự cần có ở smartphone thời nay. Và cũng cần nói thêm là mức giá của smartphone cao cấp ở thời điểm hiện tại đã tăng lên rất nhiều so với cách đây 2 năm.
Trong bối cảnh cả thị trường và chính sản phẩm đã có sự đổi khác, Poco F2 Pro có xứng đáng với sự gia tăng về giá so với thế hệ trước hay không?
Thiết kế
Những fan Xiaomi có thể không còn lạ lẫm với Poco F2 Pro bởi đây thực chất là chiếc Redmi K30 Pro được đổi tên. Hai máy có cùng thiết kế và cấu hình. Mặt trước và mặt sau đều bằng chất liệu kính cường lực Gorilla Glass 5 với khung kim loại nguyên khối kẹp ở giữa. Đây là sự thay đổi lớn so với chiếc Poco F1 trước đây có thân máy bằng nhựa polycarbonate.
Chất liệu kim loại kính mang lại cho máy cảm nhận rất chắc chắn và cũng khá bóng bẩy. Tuy vậy, viên pin lớn 4.700 mAh và cụm thụt thò đã khiến thân máy của Poco F2 Pro khá dày và nặng nề (8,9mm và 218g). Vì vậy, nếu người mua là chị em phụ nữ nên cân nhắc đến điểm này.
Với cụm camera selfie nằm thụt thò từ thân máy ra, màn hình mặt trước được giải phóng hoàn toàn khỏi khía giọt nước hay lỗ đục. Năm nay, camera thụt thò ít được các hãng ưa chuộng như một hai năm trước. Hầu hết đều đã chuyển sang thiết kế đục lỗ, nốt ruồi để đặt camera trước. Tuy vậy, cá nhân tôi nghĩ camera thụt thò vẫn là giải pháp tốt để có màn hình tràn viền trọn vẹn. Đặc biệt, cơ chế thụt thò của Poco F2 Pro không có gì để phàn nàn, rất nhẹ và mượt. Xiaomi cũng bổ sung đèn LED thông báo vào cụm camera thụt thò này, chi tiết nhiều hãng hiện nay không còn chú trọng.
Poco F2 Pro trang bị cảm biến vân tay trong màn hình, và nó hoạt động không thua kém giải pháp tương tự của bất kỳ hãng nào hiện nay. Tốc độ nhận diện nhanh và độ chính xác khá cao, không chênh là bao so với cảm biến vân tay truyền thống. Ở sản phẩm này, Xiaomi đặt cảm biến vân tay hơi cao so với các hãng khác. Việc sử dụng có chút bỡ ngỡ ban đầu nhưng sau vài tuần sử dụng thì tôi thấy việc đặt như vậy thuận tay hơn so với đặt thấp phía dưới.
Ở mặt sau, cụm 4 camera được thiết kế rất khác biệt, không phải là kiểu bếp từ vuông phổ biến mà đặt trong một hình tròn, bên trong lại được sắp xếp giống như chữ X. Cách thiết kế này khá giống với chiếc Huawei Mate 30 Pro. Mặt lưng được thiết kế dạng kính mờ nhưng không nhám nên vẫn dễ bám mồ hôi, vân tay. Các mép được bo cong mạnh, ôm tay nhưng cũng khá trơn nếu không dùng ốp. Như thường lệ, Xiaomi tặng kèm theo máy một chiếc ốp lưng nhựa trong.
Trên các cạnh, máy có cổng USB C, cổng hồng ngoại, khe cắm hai SIM, giắc âm thanh và loa đơn. Điện thoại này không có khe cắm thẻ nhớ ngoài nhưng dung lượng bộ nhớ 128GB và 256GB có lẽ cũng đủ dùng với hầu hết người dùng. Âm thanh từ loa ngoài có âm lượng lớn, giọng hát tái hiện tốt nhưng bass gần như không có và cũng không có những hiệu ứng âm thanh vòm như các smartphone có loa stereo.
Nhìn chung, điểm gây ấn tượng ở Poco F2 Pro là được thiết kế với chất liệu cao cấp và viền màn hình mỏng đều không có khía giọt nước hay lỗ đục. Tuy vậy, thân máy khá dày và nặng. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng bị cắt giảm một thứ thường có mặt trên phân khúc cao cấp để hạ giá thành. Cụ thể, máy không hỗ trợ sạc không dây dù mặt lưng bằng kính và không có khả năng chống nước.
Poco F2 Pro có 2 khay cắm SIM, không có khe cắm thẻ nhớ ngoài
Một điểm nữa cũng cần nhắc đến ở điện thoại này là có hỗ trợ 5G, công nghệ mạng di động mới dự kiến sẽ được các nhà mạng ở Việt Nam ra mắt trong năm tới.
Màn hình
Ngoài việc thiếu vắng tần số làm tươi cao, màn hình của Poco F2 Pro đáp ứng hầu hết các yếu tố quan trọng về chất lượng hiển thị. Đây là màn hình lớn 6.7 inch, thiết kế tràn viền cả 4 cạnh, độ phân giải Full HD+ đủ chi tiết, tấm nền OLED hiển thị màu sắc sống động vớ độ sáng cao.
Đáng chú ý ở chế độ tự động điều chỉnh độ sáng, màn hình của Poco F2 Pro sẽ tự động tăng độ sáng lên mức cao hơn độ sáng tối đa ở chế độ chỉnh tay. Vì vậy khi mở chế độ độ sáng tự động, điện thoại hiển thị rất rõ và dễ nhìn ngoài trời, cả khi trời nắng gắt.
Xiaomi cũng đưa vào 3 chế độ màu sắc để người dùng tùy chỉnh. Nếu thích màu nịnh mắt thì bạn có thể chọn chế độ Bão hòa, còn chế độ Tự động (là chế độ mặc định) thì màu sắc bớt rực hơn. Riêng chế độ Tự nhiên thì màu sắc sẽ tái tạo chuẩn hơn nhưng không còn sự sống động vốn có của tấm nền OLED nữa. Ngoài ra, chuẩn HDR10+ cũng có mặt, hỗ trợ đầy đủ các nội dung HDR trên YouTube và Netflix.
Hiệu năng và phần mềm
Hiệu năng là điểm mà Poco F2 Pro đúng nghĩa là smartphone cao cấp với con chip Snapdragon 865 đầu bảng hiện nay. Con chip này được sản xuất trên tiến trình 7nm, gồm 8 nhân CPU (1 lõi Kryo 585 tốc độ 2.84Ghz, 3 lõi Kryo 585 chạy ở tốc độ 2.42Ghz và 4 lõi Kryo tốc độ 1.8Ghz). GPU Adreno 650 hoàn toàn đủ đáp ứng các tác vụ nặng đồ họa trên nền tảng Android hiện nay.
Bên cạnh đó, dung lượng RAM cũng rất dồi dào, một bản RAM 6GB và một bản RAM 8GB. Riêng bản RAM 8GB dùng chuẩn bộ nhớ LPDDR5 hiệu quả và nhanh hơn chuẩn LPDD4X trên bản RAM 6GB (cũng là phiên bản tôi sử dụng trong bài đánh giá này). Cả hai phiên bản đều không có khe cắm thẻ nhớ ngoài.
Trong sử dụng thực tế, Snapdragon 865 mang lại trải nghiệm mượt mà đúng như kỳ vọng. Tôi đã thử với một số tựa game phổ biến hiện nay là Liên Quân Mobile, PUBG Mobile và Call of Duty ở chế độ thiết lập cao nhất và dùng ứng dụng Perfdog để theo dõi tốc độ khung hình (fps).
Hai game Liên Quân Mobile và PUBG Mobile dễ dàng đạt được tốc độ khung hình ổn định ở mức gần tối đa 60 fps. Riêng game Call of Duty thì máy vẫn luôn đạt tốc độ khung 60 fps trong quá trình chơi nhưng khi ở sảnh chờ và khi tải bản đồ chơi thì máy giảm tốc độ khung hình xuống 30 fps để tiết kiệm pin. Vì vậy, tốc độ fps trung bình khi chơi game này bị giảm còn 52,7 fps, chứ không phải là gần 60 fps như hai game còn lại.
Với game Liên Quân Mobile, máy đạt tốc độ khung hình trung bình 58,9 fps ở thiết lập đồ họa cao nhất.
Game PUBG Mobile cũng đạt tốc độ fps trung bình sát mức cao nhất: 59,7 fps
Call of Duty đạt số khung hình 52,7fps do khi ở sảnh chờ, game tự động giảm xuống 30fps để tiết kiệm pin
Về phần mềm, Poco F2 Pro chạy Android 10 với giao diện tùy biến Poco Launcher. Poco Launcher thực chất là MIUI 11, chỉ khác là có thêm khay ứng dụng. Sự có mặt của khay ứng dụng tạo cảm giác giao diện phần mềm của điện thoại này khá giống với Android thuần. Là phiên bản MIUI nên các tính năng phần mềm quen thuộc của Xiaomi đều có mặt trên điện thoại này như chế độ chơi game Game Turbo, không gian lưu trữ thứ hai, chế độ tối Dark Mode, thao tác điều khiển cử chỉ toàn diện, màn hình Always On.
Thời gian pin
Đúng như kỳ vọng ở dung lượng pin 4.700 mAh, Poco F2 Pro có thời lượng sử dụng pin rất ấn tượng với một smartphone có hiệu năng mạnh mẽ. Trong bài test quen thuộc của VnReview với các hoạt động xem phim, lướt web và chơi game, điện thoại này đều đạt kết quả cao hơn nhiều những sản phẩm cùng phân khúc cận cao cấp. Với kết quả này, người dùng có thể hoàn toàn yên tâm về khoản pin của Poco F2 Pro, kể cả với những người có nhu cầu cao về chơi game.
Thời gian xem phim liên tục ở độ sáng và âm lượng 70%, tính từ khi pin đầy đến khi còn 10%
Thời gian lướt web liên tục trên mạng Wi-Fi ở độ sáng 70%, tính từ khi pin đầy đến khi còn 10%
Thời gian chơi game tính từ khi pin đầy đến khi còn 10%.
Không chỉ có thời lượng sử dụng pin lâu, thời gian sạc vào của máy cũng khá ấn tượng. Củ sạc 33W theo chuẩn Power Delivery (PD) đi kèm mất tổng cộng 65 phút để sạc đầy viên pin của điện thoại này, trong đó 30 phút đầu sạc được 60%. Bên cạnh đó, việc Xiaomi hỗ trợ chuẩn PD phổ thông cũng là ưu điểm. Bạn có thể dùng bất kỳ củ sạc nào hỗ trợ chuẩn PD với công suất từ 33W trở lên là tận dụng tốc độ sạc nhanh của Poco F2 Pro.
Camera
Camera cũng là điểm mà Poco F2 Pro không thua kém những sản phẩm ở cùng tầm giá. Máy có 4 camera sau gồm camera chính 64MP sử dụng cảm biến Sony IMX686, camera góc siêu rộng 13MP, camera macro 5MP và camera phụ 2MP. Camera selfie nằm trong cụm thụt thò từ thân máy có độ phân giải 20MP.
Camera chính 64MP lấy nét nhanh và cho ảnh chi tiết, tuy nhiên màu sắc hơi rực. Độ tương phản cũng bị đẩy lên nên nhìn thoáng qua sẽ thấy ảnh tươi tắn, nịnh mắt nhưng soi xét kỹ hơn sẽ nhận ra màu sắc kém tự nhiên. Khi chụp ở bối cảnh thiếu sáng, màu sắc, độ sắc nét và màu sắc giảm đi. Với những bối cảnh thiếu sáng nhiều, màu ảnh bị ám tím và chi tiết hơi bệt. May mắn là chế độ Ban đêm đã xử lý tốt những vấn đề này khi chụp thiếu sáng.
Ảnh chế độ thông thường (trên) và chế độ Ban đêm (dưới)
Ảnh chế độ thông thường (trên) và chế độ Ban đêm (dưới)
Ảnh chế độ thông thường (trên) và chế độ Ban đêm (dưới)
Chiếc camera chính xóa phông ổn. Ảnh nhiều chi tiết, dải sáng rộng, nước da lên màu tự nhiên và viền chủ thể được tách bạch mịn. Thậm chí, những lọn tóc lơ thơ cũng không bị xóa nhầm. Ngoài ra, Xiaomi cũng cho phép người dùng tùy chỉnh mức độ xóa phông trong quá trình chụp và cả sau khi chụp.
Ảnh từ camera góc siêu rộng có xu hướng xử lý màu sắc tương tự camera chính với độ chi tiết và dải sáng khá tốt. Camera này cũng xử lý hiện tượng méo hình do hiệu ứng góc rộng hiệu quả. Theo mặc định, máy sẽ kích hoạt tính năng hiệu chỉnh biến dạng do ống kính góc rộng. Tuy nhiên, cũng như nhiều camera siêu rộng trên các máy tầm trung, bạn không nên kỳ vọng ở khả năng chụp thiếu sáng từ camera siêu rộng trên Poco F2 Pro. Nhìn vào ảnh cuối cùng phía dưới bạn sẽ thấy rõ điều này.
Các máy Xiaomi gần đây như Redmi Note 9S và Note 9 Pro đều có camera macro 5MP cho chất lượng ảnh chụp tốt hơn nhiều sản phẩm tương tự của các hãng Samsung, Oppo. Điều này tiếp tục lặp lại trên Poco F2 Pro. Với khả năng lấy nét tự động, việc chụp ảnh macro từ Poco F2 Pro rất dễ dàng. Ảnh chụp sắc nét, màu tự nhiên.
Chiếc camera thụt thò 20MP mang lại những bức ảnh tự sướng nhiều chi tiết và tông màu da lên tươi sáng. Khi bật chế độ xóa phông, viền chủ thể được nhận diện và xóa khá mịn, không thấy bị lem nhiều.
Ảnh chế độ thông thường
Ảnh chụp xóa phông
Tổng kết
Poco F2 Pro có mức giá cao hơn đáng kể so với thế hệ cũ nhưng những cải thiện về thiết kế, camera, pin và đặc biệt là màn hình OLED tràn viền có thể nói là hoàn toàn tương xứng với sự gia tăng về giá. Với mức giá 12 triệu đồng, đây vẫn là smartphone dùng Snapdragon 865 có giá mềm nhất hiện nay.
Để phù hợp với mức giá cận cao cấp, điện thoại này có một số điểm bị cắt giảm như màn hình tần số quét 60Hz bình thường chứ không phải là 90Hz hay 120Hz mượt mà hơn. Máy không có chống nước, không hỗ trợ sạc không dây và cũng không có camera tele như nhiều smartphone ở phân khúc giá cao khác.
Tuy nhiên, xét ở mức giá của sản phẩm và so sánh tương quan với các sản phẩm cạnh tranh, những cắt giảm này không phải là vấn đề đáng lo ngại. Nói cách khác, Xiaomi đã cắt giảm rất khéo để có một smartphone cân bằng giữa giá và trải nghiệm cơ bản tốt, chứ không chỉ thiên về sức mạnh cơ bắp như thế hệ Poco F1 đầu tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét