Cổng cắm tai nghe 3.5 mm đã tồn tại hơn 100 năm, tất cả chỉ còn là hoài niệm trên các smartphone cao cấp
Với sự phát triển của các loại tai nghe không dây, cổng cắm tai nghe 3.5 mm đang dần bị các nhà sản xuất điện thoại bỏ qua, nhất là trên các smartphone cao cấp. Tuy nhiên, cổng kết nối này đã có lịch sử tồn tại hơn 100 năm và gắn liền với những nốt thăng trầm của các thiết bị di động.
Cổng cắm tai nghe đã tồn tại được một quãng thời gian gần như bằng với điện thoại. Vào thế kỷ 19 nó được sử dụng để tổng đài có thể kết nối các cuộc gọi điện thoại với nhau một cách thủ công.
Lúc bấy giờ, đó là cách để họ có thể thực hiện và dừng âm thanh cuộc gọi. Điều đặc biệt, trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, cổng cắm tai nghe cũng có tính năng tương tự như vậy.
Cổng kết nối này có nhiều kích cỡ, thời gian đầu hình thành trong thế kỷ 19 nó có kích thước khoảng 6.35 mm. Trải qua một thời gian phát triển, kích thước của nó đã giảm xuống 3.5 mm như ngày nay. Những cổng 3.5 mm được sử dụng lần đầu tiên trong việc kết nối tai nghe với bộ đàm vào những năm 1950.
Sự ra đời và phát triển của máy nghe nhạc Sony Walkman đã làm cổng cắm tai nghe phổ biến hơn. Máy nghe nhạc của Sony như một cuộc cách mạng cho thế giới âm thanh di động khi sản phẩm này và các thiết bị sau đó đều được trang bị tai nghe với cổng cắm 3.5 mm.
Vào những năm 2000, cổng cắm 2.5 mm được sử dụng song vẫn không chiến thắng được kích thước 3.5 mm. Tuy nhiên, một đối thủ khác lại xuất hiện đó là cổng USB được sử dụng lần đầu tiên trên HTC Dream (T-Mobile G1).
Việc có quá nhiều loại cổng kết nối tai nghe làm cho người dùng cảm thấy không thoải mái. Điều họ cần là sự thống nhất một cổng kết nối chung. Một lần nữa cổng 3.5 mm lại dành chiến thắng.
Những mẫu tai nghe đầu tiên chỉ sở hữu âm thanh đơn sắc, nhưng sau đó các tiêu chuẩn của âm thanh bề nổi được thiết lập một cách nhanh chóng. Đầu kết nối có 3 vòng T-R-S (Tip, Ring, Sleeve). Vòng Tip sẽ kết nối với dây nối đất trong các thiết bị, Ring kết nối với dây trái và Sleeve kết nối với dây phải của thiết bị.
Đối với điện thoại, tai nghe cần có thêm một micro để nói chuyện. Giải pháp đơn giản là chỉ cần thêm một vòng nữa, tạo thành đầu nối T-R-R-S. Tuy nhiên, đầu nối này lại phân thành hai loại khác nhau là OMTP và CTIA.
OMTP được sử dụng bởi các điện thoại cũ của Nokia, Samsung, HTC, Sony Ericsson và iPhone. Những hãng khác và các mẫu điện thoại về sau của Nokia và Samsung đã sử dụng tiêu chuẩn CTIA.
Hai tiêu chuẩn này khác ở chỗ vị trí vòng kết nối đất và micro sẽ hoán đổi cho nhau. Một biến thể khác của CTIA là cho phép đầu ra TV kết nối bằng tín hiệu video tổng hợp thay vì micro.
Một số tai nghe Sony đi kèm với cổng T-R-R-R-S cho phép công ty thêm một micro phụ để loại bỏ tiếng ồn xung quanh. Đài FM cũng là một thiết bị sử dụng cổng cắm tai nghe, ngoài việc phát âm thanh chúng còn có thể hoạt động như một cái ăng-ten thu sóng.
Hiện nay, cổng USB đang cố gắng thay thế cổng cắm 3.5 mm, lần này là sự xuất hiện của USB-C. Thật thú vị khi vẫn có cách kết nối USB-C với cổng T-R-R-S thông qua cáp chuyển đổi và không làm giảm chất lượng âm thanh.
Sự phát triển vượt bật của các loại tai nghe không dây cũng đang đe doạ đến sự tồn tại của cổng cắm 3.5 mm. Các nhà sản xuất đã dần loại bỏ cổng cắm truyền thống trên các thiết bị của mình và ra mắt nhiều mẫu tai nghe không dây hiện đại và tiện lợi.
Tuy nhiên, giá thành của các loại tai nghe không dây lại cao hơn rất nhiều so với sản phẩm có dây truyền thống. Một số người dùng vẫn sẵn sàng chi tiền cho các cổng chuyển đổi để sử dụng tai nghe có dây như Lightning to 3.5 mm, USB-C to 3.5 mm.
Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của tai nghe không dây và USB-C, cổng cắm tai nghe 3.5 mm sẽ một lần nữa bước vào cuộc chiến sinh tồn trên các thiết bị di động. Tuy nhiên, có vẻ lần này công cắm tai nghe 3.5 mm khó thể nào thắng được khi nó đã dần biến mất trên các smartphone.
Bạn nghĩ thế nào nếu cổng cắm tai nghe 3.5 mm hoàn toàn biến mất trên tất cả các thiết bị điện tử?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét